Từ Tự cường đến Duy tân Bách nhật duy tân

Trước sự tăng cường xâu xé của các nước đế quốc, cộng thêm sự yếu hèn của tầng lớp thống trị, trong xã hội Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trào lưu tư tưởng mới, đòi cải cách chế độ, canh tân để cho đất nước sớm thoát khỏi ách nô lệ.

Khởi đầu là cuộc vận động Tự cường (1862 - 1882) của một số người, trong đó có các đại thần triều Thanh là Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên, Phước Thành, Lê Thứ Xương, Tả Tôn Đường, Quế Lương,...Và họ đã làm được một số việc như: Tăng Quốc Phiên ở Thượng Hải, lập xưởng chế súng đạn, lập trường dạy tiếng nước ngoài, phái học sinh sang học ở Âu Mỹ. Tả Tông Đường ở Phúc Châu, lập xưởng đóng tàu và trường dạy hải quân. Lý Hồng Chương ở Thiên Tân, lập Thủy sư học đường để huấn luyện binh sĩ, đồng thời phái học sinh ra nước ngoài học về hải quân và lục quân...[2]

Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, thì phong trào này tiến chậm, chủ yếu là nhầm vào việc quốc phòng thôi, chưa phải là một cuộc cải cách lớn. Vậy mà, phe thủ cựu đã nổi lên chống đối, cho rằng theo phương Tây là làm cho Trung Quốc hóa ra di địch...Trong khoảng thời gian đó có một người tên là Wong Tao học giỏi chữ Hán, ngoài hai chục tuổi, trong khoảng từ 1840 đến 1860 giúp việc cho nhà in của một hội truyền giáo AnhThượng Hải. Bị nghi ngờ là tiếp xúc với Thái Bình Thiên quốc, ông phải trốn qua Hương Cảng, giúp James Legge dịch Tứ ThưNgũ Kinh rồi qua ở Scotland hai năm. Khi trở về Hương Cảng, Wong Tao xuất bản một nhật báo riêng, sau hợp tác với một tờ báo của người Anh ở Thượng Hải nữa (1872). Ông cảnh cáo nhà cầm quyền rằng công cuộc tự cường không có kết quả được vì chỉ trị ngọn chứ không trị gốc. Phải thay đổi cả chế độ mới được. Nhưng thời đó cơ hồ không ai hiểu ông. Phái thủ cựu thì tự cho mình là thanh cao, không bao giờ bàn tới học thuật phương Tây; còn phần đông nhân dân đều phải lo cày cấy để kiếm miếng ăn, không hề nghĩ đến việc nước. Mãi đến cuối thế kỷ 19, nhóm Khang Hữu Vi - Lương Khải Siêu nhờ đọc nhiều sách Âu Tây mới nhận ra là Wong Tao có lý [3].

Tháng 7 năm 1894, nhân việc tàu chiến Trung Quốc bị tàu chiến của một nước nhỏ là Nhật Bản đánh thua, Khang Hữu Vi cùng học trò là Lương Khải Siêu (gọi tắt là Khang - Lương) dâng thư lên Hoàng đế Quang Tự xin cải cách duy tân, nhưng bị Viện đô sát ở Thanh đình từ chối nên thư không đến được tay Hoàng đế.

Tháng 6 năm 1896, Khang - Lương lại dâng thư lần nữa, Lần này nhờ có thầy dạy Hoàng đế là Trạng nguyên Ông Đồng Hòa giúp đỡ nên thành công. Sau đó, hai thầy trò được mời vào cung gặp Hoàng đế để trình bày cặn kẽ chủ trương và cách thức tiến hành.